Thay vì nuôi cá rô phi trong ao bùn như cách truyền thống, nhiều đơn vị đã bắt đầu khai thác các hồ nước trong, sạch, sâu để nuôi cá rô phi cao cấp.
Khu lồng nuôi cá rô phi công nghệ Na Uy của Mavin tại hồ thủy điện Hòa Bình.
Cá nuôi ở lòng hồ thủy điện có màu đen sẫm do thích nghi với môi trường nuôi có độ sâu lớn, nước trong, đặc biệt cá không hề có mùi bùn, cơ thịt chắc, dày mình, thơm ngon. Mỗi con cá rô phi đen sẫm nuôi lồng trên các hồ thủy điện, thủy lợi có thể nặng tới gần 3 kg nên được các bà nội trợ săn lùng tìm mua trong những ngày thịt lợn tăng giá phi mã vừa qua.
Sản phẩm cá rô phi đen sẫm do Trung tâm nuôi trồng thủy sản xuất khẩu của Tập đoàn Mavin tại hồ thủy điện Hòa Bình. Tại đây, Mavin ứng dụng công nghệ nuôi lồng tròn Na Uy công suất lớn, mỗi lồng có thể nuôi được tới 50 tấn cá rô phi/vụ. Hiện nay Mavin đã khai thác trên 20 lồng cá, với sản phẩm duy nhất là cá rô phi.
Theo TS. Ngô Phú Thỏa, Giám đốc điều hành Khối Thủy sản Mavin cho biết, với lợi thế sở hữu chuỗi giá trị trong nuôi trồng thủy sản, Mavin hoàn toàn có khả năng cung cấp ra thị trường những sản phẩm cá rô phi với chất lượng tốt nhất đáp ứng được yêu cầu khắt khe của những thị trường khó tính như Mỹ và EU.
Đặc biệt, điểm khác biệt của cá rô phi nuôi tại hồ thủy điện hoặc các hồ chứa đó là màu sắc đen sẫm hơn cá rô phi nuôi trong ao đất truyền thống của người dân. Thông thường, cá rô phi nuôi trong ao, do đặc điểm ao nông, nước lại đục nên cá sẽ có màu sắc sáng. Còn ở các hồ chứa, hồ thủy điện, do nước trong lại sâu nên do bản năng tự vệ, để tránh các con vật săn mồi khác, cá sẽ có màu sẫm hơn. Tuy nhiên, màu sắc không phải là yếu tố quyết định chất lượng thịt cá, mà sẽ do nhiều yếu tố khác như con giống, môi trường nuôi, thức ăn,…
"Tại các nước phát triển như ở Mỹ, Châu Âu,… khách hàng thường chọn cá rô phi với giá cao hơn nếu biết cá được nuôi lồng ở các hồ chứa/hồ thủy điện lớn với màu sẫm đồng đều vì hiểu rằng chỉ có nuôi trong môi trường nước trong sạch thì cá mới có màu sắc như vậy. Sản phẩm cá rô phi của công ty Regal Spring * là một ví dụ điển hình cho việc nuôi cá rô phi chất lượng cao trên hồ chứa”, ông Ngô Phú Thỏa lý giải.
Cá rô phi sáng màu nuôi ở ao truyền thống.
Trung tâm Nuôi trồng thủy sản Mavin Hòa Bình có diện tích 100 ha, được khai thác từ cuối năm 2018 tại vùng nước đã được kiểm tra, đánh giá rất kỹ về chất lượng, có mực nước sâu, bề mặt thoáng sạch tạo điều kiện lý tưởng để cá sinh trưởng, phát triển.
Quy trình nuôi được Tập đoàn Mavin kiểm soát chặt chẽ, gồm 2 nhân tố quyết định: Con giống chất lượng cao đã được chọn giống theo tính trạng sinh trưởng, tỷ lệ sống và tỷ lệ phi lê qua hơn 25 thế hệ, đảm bảo chất lượng giống tốt nhất; Thức ăn chăn nuôi được sản xuất tại Nhà máy thức ăn thủy sản hiện đại nhất miền Bắc của Tập đoàn Mavin đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng và an toàn.
Theo ông Thỏa, rất nhiều khách hàng trong nước mới đầu có e ngại màu sắc cá sẫm hơn thông thường nhưng khi chứng kiến tận mắt quy trình chăn nuôi hiện đại và đặc biệt là môi trường nuôi sạch tại hồ Hòa Bình đã hoàn toàn bị thuyết phục.
Hiện nay, hơn 20 lồng cá của Mavin đang được khai thác hết công suất mà vẫn chưa đáp ứng được hết các đơn đặt hàng, thậm chí có cả các đơn hàng từ thị trường nước ngoài.
“100% khách hàng sau khi mua cá rô phi nuôi hồ thủy điện của Mavin đều công nhận sản phẩm có chất lượng hơn hẳn so với cá rô phi nuôi ao truyền thống. Thịt cá thơm, chắc, đặc biệt không hề có mùi bùn”, Giám đốc điều hành Khối Thủy sản Mavin, TS. Ngô Phú Thỏa chia sẻ.
Cá rô phi màu đen sẫm màu nuôi sạch bằng công nghệ lồng tròn Na Uy trên hồ thủy điện Hòa Bình.
Cá rô phi được ví như gà dưới nước “aquatic chicken” là loài cá tăng trưởng nhanh, khỏe mạnh mà từ lâu đã trở thành nguồn protein chủ yếu ở nhiều quốc gia đang phát triển và gần đây có nhu cầu cao ở các nước phát triển.
Thịt cá rô phi trắng, ngọt, bùi, trong thịt cá rô phi giàu khoáng, ít mỡ, lượng đạm vừa phải, thịt cá rô phi có vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng bồi bổ cơ thể là loài cá mau lớn, dễ nuôi, ít dịch bệnh và có thể nuôi trong nhiều loại hình thủy vực khác nhau.
Ở Việt Nam, cá rô phi được xác định sẽ là sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ lực ở miền Bắc, tuy nhiên với mô hình chủ yếu vẫn được nuôi nhỏ lẻ ở các hộ nông dân trong ao bùn truyền thống thì sản lượng và chất lượng khó đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu. Do vậy, nuôi cá rô phi lồng đã trở thành hướng phát triển của các hợp tác xã và doanh nghiệp lớn trong các năm vừa qua.
Đặc biệt xu hướng khai thác các hồ chứa, hồ thủy điện diện tích lớn tại các tỉnh phía Bắc do Tập đoàn Mavin tiên phong triển khai đang mở ra triển vọng tăng sản lượng xuất khẩu cho ngành hàng này trong các năm tới.
(*) Regal Spring là nhà chế biến cá rô phi hàng đầu thế giới, với sản phẩm chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ và tiêu thụ tại Mexico.
Nguồn: Báo Nông nghiệp