Mới có 1/3 gói tín dụng 100.000 tỷ đồng dành cho nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch được giải ngân, trong khi rất nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này khát vốn, còn ngân hàng vẫn chờ giải ngân.
Mới có 1/3 gói tín dụng 100.000 tỷ đồng dành cho nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch được giải ngân
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Lê Minh Hưng cho biết, nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân vốn cho tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao còn hạn chế là do số lượng doanh nghiệp được chứng nhận công nghệ cao còn hạn chế, dẫn đến ngân hàng thận trọng cho vay.
Đã giải ngân 36 ngàn tỷ đồng
Theo báo cáo của NHNN, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đến cuối tháng 10/2017 tăng 19,0%, chiếm tỷ trọng 21% tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế. Trong đó, tín dụng cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 25,12% so với năm 2016.
Theo Thống đốc NHNN, sau 6 tháng triển khai, tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch đạt 36 ngàn tỷ đồng (trong gói 100 ngàn tỷ) với kỳ hạn dài chiếm khoảng 60%.
So với quy mô của gói tín dụng dành cho lĩnh vực ưu tiên này mới chỉ giải ngân được 1/3, tuy nhiên, Thống đốc cho rằng: “Trong thời gian ngắn, gói tín dụng đạt quy mô như vậy là khá cao”.
Hiện, ngân hàng thương mại Nhà nước dẫn đầu trong giải ngân vốn là Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank…
Tính đến nay, Vietcombank đã giải ngân được trên 2.500 tỷ đồng. Cụ thể, Vietcombank đã giải ngân cho công ty ĐTK trên 600 tỷ đồng, Công ty Ba Huân Hà Nội 60 tỷ đồng, cam kết cho Khu chăn nuôi lợn giống Dabaco ứng dụng công nghệ cao tại Hà Tĩnh vay 157 tỷ đồng; cam kết cho vay Dự án Chăn nuôi bò thịt công nghệ cao Hòa Phát tại Thái Bình, Quảng Bình, Đồng Nai 500 tỷ đồng…
Ngoài ra, cũng có một số ngân hàng thương mại cổ phần cũng xây dựng nguồn vốn cho gói tín dụng nông nghiệp công nghệ cao như: Ngân hàng LienVietPostBank dành 10.000 tỷ đồng. Hay, hiện dư nợ cho vay nông nghiệp công nghệ cao của ngân hàng BacA Bank là 31.472 tỷ đồng, chiếm 37,03% tổng dư nợ.
Bà Thái Hương – Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Bắc Á – cho biết, với số vốn tự có 5.000 tỷ đồng và mạng lưới 100 điểm giao dịch trên phạm vi cả nước, thời gian qua, Ngân hàng Bắc Á đã tập trung đầu tư mạnh cho lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn với tổng dư nợ cho vay trong lĩnh vực này là 31.456 tỷ đồng, chiếm tới 63,4% tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng.
Dù nhiều ngân hàng “ngỏ” ý sẽ dành riêng nguồn vốn cho gói tín dụng nông nghiệp công nghệ cao nhưng, theo Hiệp hội Các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đa số doanh nghiệp vẫn chưa thể và chưa biết cách tiếp cận gói tín dụng này.
Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận
Đại diện Hiệp hội cho biết, một số lý do khách hàng khó tiếp cận được vốn do số lượng doanh nghiệp được chứng nhận công nghệ cao còn hạn chế, dẫn đến ngân hàng thận trọng cho vay.
Bên cạnh đó, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, khó khăn lớn nhất hiện nay là vướng mắc về chứng nhận tài sản trên đất để vay vốn ngân hàng.
Trong các hội thảo về giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư tín dụng cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hầu hết các ngân hàng cũng cho rằng gói tín dụng 100.000 tỷ đồng là tín dụng thương mại. Nông nghiệp lại là lĩnh vực rủi ro. Do đó, việc ngân hàng lo ngại về hiệu quả đầu tư là dễ hiểu.
Chưa kể, theo lý giải của bà Hương, việc đánh giá, xếp loại các dự án nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch còn dừng lại chủ yếu ở các tiêu chí mang tính định tính. Điều này sẽ gây khó khăn cho các ngân hàng trong việc xác định dự án nông nghiệp công nghệ cao và dự án nông nghiệp sạch trong quá trình thẩm định cho vay.
“Cần phải có những tiêu chí cụ thể hơn, mang tính định lượng, giúp ngân hàng và doanh nghiệp dễ tìm được tiếng nói chung trong quá trình xin vay và xét duyệt cho vay”, bà Hương nói
Một lý do khác là với các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chi phí tư vấn công nghệ kết tinh trong các khâu của toàn bộ dự án là rất lớn, nhất là tư vấn của các chuyên gia nước ngoài. Hay, tài sản của các doanh nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao chủ yếu là nhà lưới, nhà kính…, song những tài sản và chi phí này hiện chưa được tính vào giá trị đảm bảo của khoản vay và danh mục tài sản thế chấp.
Thực tế, thời gian qua, NHNN đã có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để mở rộng đối tượng khách hàng vay vốn theo chương trình.
Ngoài ra, NHNN cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, sửa đổi quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, về quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm vay vốn ngân hàng.
Nguồn: Thời báo Kinh doanh