Ngày 26/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị "Cơ hội và thách thức đối với nông nghiệp Việt Nam khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do".
Đánh giá về Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết: "Các quốc gia tham gia 2 hiệp định này có quy mô dân số gần 1 tỷ dân, GDP khoảng trên 30%, thương mại thế giới chiếm khoảng trên 35%, thu nhập bình quân đầu người, trình độ quản lý và trình độ kinh tế đều rất cao. Vì thế, khi mở cửa, chúng ta phải chấp nhận cuộc chơi khi mà có những điều kiện chưa bằng các bạn".
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ở những quốc gia này cũng có tiềm năng phát triển nông nghiệp hàng hóa rất tốt. Ví dụ như Canada, Australia, New Zealand. Như vậy, những nông sản của họ vừa có thế mạnh về công nghệ, vừa có thế mạnh về tài nguyên mà Việt Nam phải chấp nhận sự cạnh tranh bình đẳng đó.
"Tuy nhiên, nhìn ở những khía cạnh khác Việt Nam cũng có cơ hội. Tôi đánh giá khả năng thích ứng của nền kinh tế Việt Nam nói chung; trong đó có nông nghiệp qua thực hiện 12 Hiệp định tự do cho thấy càng khó chúng ta càng quyết tâm thích ứng và thích ứng được", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Về những thách thức khi tham gia Hiệp định CPTPP và EVFTA, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định, ngành nông nghiệp có rất nhiều mối lo nhưng một trong những điểm lo lắng lớn nhất là sản xuất manh mún. Việt Nam có 8,6 triệu hộ nông dân, 10 triệu ha đất canh tác mà phải đi cạnh tranh với những đất nước có tài nguyên đất mênh mông. Khắc phục vấn đề này phải thực hiện bằng cách vận động hộ nông dân tham gia vào hợp tác xã hay liên kết cùng doanh nghiệp.
Riêng về câu chuyện hàng rào kỹ thuật, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ, khi tham gia các hiệp định, không có Chính phủ nào không quan tâm đến hàng rào kỹ thuật, bởi hàng rào kỹ thuật được dựng lên để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng trong nước.
“Nhưng chúng ta phải làm trên một tinh thần minh bạch, bình đẳng, đồng bộ. Phải coi 100 triệu dân thị trường trong nước cũng như thị trường xuất khẩu. Hàng hóa sản xuất ra phải đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn. Làm được điều đó đồng nghĩa với việc bán hàng đi được tất cả các nước. Và thực hiện được việc này cần sự đồng hành lớn hơn từ Chính phủ, Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Hội đồng châu Âu ngày 25/6, đã thông qua quyết định ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA). Cả hai hiệp định sẽ được ký vào ngày 30/6/2019, tại Hà Nội.
Như vậy đến nay, Việt Nam đã tham gia tổng cộng 16 hiệp định thương mại tự do, cả song phương và đa phương, có tác động trực tiếp, sâu rộng tới nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội, chính trị, thương mại…
"Đặc biệt với 2 Hiệp định tự do hóa thương mại thế hệ mới là CPTPP và EVFTA (sắp được ký kết), đây là 2 hiệp định có cơ hội rất lớn đối với lĩnh vực nông nghiệp, tạo cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu cũng như nâng cao năng lực cho ngành nông nghiệp Việt Nam vốn còn rất nhiều dư địa. Tuy nhiên, đây cũng là 2 hiệp định tạo ra những thách thức không nhỏ cho nền nông nghiệp Việt Nam" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Cụ thể với Hiệp định EVFTA sắp được ký kết, Việt Nam sẽ cắt giảm 24% số dòng thuế nông sản cam kết về 0% ngay năm đầu và cắt giảm 99% sau 10 năm. Các nước EU sẽ cắt giảm về 0% năm đầu tiên và sau 10 năm là 74,6% và 97,3% số dòng thuế nông nghiệp cam kết.
Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA cũng quy định về quy tắc nguồn gốc xuất xứ thuần túy hoặc giá trị nội khối đối với nông sản. Quy tắc này trong các Hiệp định này được xây dựng dựa trên nền tảng trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và được áp dụng chung cho các nước thành viên.
Theo đánh giá của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, bên cạnh cơ hội, Hiệp định EVFTA sẽ khiến nền nông nghiệp Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức như: Gia tăng cạnh tranh với hàng nhập khẩu do hàng rào thuế dần được cắt giảm trong khi Việt Nam khó sử dụng hàng rào phi thuế như một biện pháp bảo hộ do năng lực về pháp lý, bằng chứng khoa học hạn chế.
Trong khi, việc quản lý và thực thi các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm trong nước cũng chưa đạt được những kết quả kỳ vọng, chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dụng nội địa. Điều này dẫn tới nguy cơ đánh mất thị trường nội địa cao khi mà các nông sản từ Canada hay Nhật Bản đều có chất lượng và độ tin cậy cao với giá cả cạnh tranh.
Bên cạnh đó, cũng có nguy cơ nông sản bị trả lại, mất quyền xuất khẩu hoặc gia tăng tần suất kiểm tra do chưa đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật tại các thị trường khó tính như Nhật và các nước EU khi sản xuất trong nước chưa được quản lý chặt chẽ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong chăn nuôi, trồng trọt và thiếu sự kiểm soát chặt chẽ theo chuỗi cung ứng.
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam