Ngành Chăn nuôi làm được điều mà thế giới chưa làm được

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo ngành Chăn nuôi năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 ngày 26/11 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, dù vẫn còn nhiều lĩnh vực, nhiều nhiệm vụ chưa hoàn thành như kỳ vọng nhưng trên tổng thể nền kinh tế, trong năm 2020 ngành Chăn nuôi đã đạt được những thành tựu to lớn chưa từng có trong lịch sử, đóng góp to lớn cho ngành nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế chung của đất nước.

Thành tựu nổi bật trong năm 2020 theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến là Việt Nam đã khống chế thành công bệnh dịch tả lợn Châu Phi nguy hiểm sớm hơn gần nửa năm so với Trung Quốc.

Đặc biệt, chỉ trong vòng 1 năm, ngành Chăn nuôi đã bằng nhiều giải pháp từ nhập khẩu thịt lợn, nhập khẩu lợn sống, đẩy mạnh hỗ trợ chăn nuôi an toàn sinh học đã tái đàn với tốc độ nhanh kỷ lục, qua đó góp phận hạ nhiệt giá lợn từ cuối quý 3, đầu quý 4 năm 2020 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Đến nay, tổng đàn lợn nái đã hồi phục về xấp xỉ 3 triệu con, tổng đàn lợn cả nước đạt trên 26 triệu con, bằng 85% tổng đầu lợn so với lức trước khi xảy ra dịch tả lợn Châu Phi. Với chăn nuôi gia cầm, năm 2020 tiếp tục tăng trưởng trên 10%, tổng đàn gia cầm cả nước lần đầu tiên đạt 500 triệu con.

Vui hơn nữa là những ngày cuối năm 2020 ngành Chăn nuôi đón hàng loạt dự án đầu tư lớn vào lĩnh vực giết mổ chế biến gia súc, gia cầm và chuẩn bị có sản phẩm vacxin dịch tả lợn Châu Phi.

Qua sự kiện này, Việt Nam đã chứng minh, những gì thế giới chưa làm được không đồng nghĩa với việc Việt Nam cũng không làm được.

Một điểm nhấn với ngành Chăn nuôi năm 2020 theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến là lần đầu tiên ngành chăn nuôi có được một hành lang pháp lý hoàn thiện khi Luật Chăn nuôi cùng các Nghị định hướng dẫn chính thức có hiệu lực. Do đó, trong năm 2021, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến giao ngành chăn nuôi coi việc tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực chăn nuôi là một nhiệm vụ trọng tâm cần được ưu tiên.

Một nhiệm vụ quan trọng khác trong năm 2021 với ngành chăn nuôi theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến là phải hoàn thiện xây dựng 5 đề án chiến lược cho ngành chăn nuôi Việt Nam theo Đề án Chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.

Để hoàn thiện 5 đề án này, Thứ trưởng giao năm 2021 Cục Chăn nuôi cần phải tổ chức được ít nhất 4 hội nghị, hội thảo chuyên đề về chăn nuôi lợn, chăn nuôi gia cầm, chăn nuôi đại gia súc ăn cỏ và một hội nghị về thức ăn chăn nuôi.

Bên cạnh đó, năm 2021 ngành chăn nuôi cần vận dụng tối đa các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, vốn ODA và đặc biệt là nguồn vốn xã hội hóa tập trung cho lĩnh vực nghiên cứu khoa học và chương trình giống, bởi nói gì thì nói con giống vẫn là yếu tố quan trọng đầu tiên, căn bản với ngành chăn nuôi.

Song song với việc tiếp tục xây dựng các cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị trong năm 2021 ngành chăn nuôi cần đẩy mạnh xây dựng, thu hút các mô hình chăn nuôi công nghệ cao, chăn nuôi hiện địa, khép kín, tự động để tối ưu hóa sản xuất, tạo ra sản phẩm chăn nuôi có giá thành cạnh tranh, chất lượng cao để hướng tới xuất khẩu, tiếp tục duy trì chăn nuôi trở thành mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch tỷ USD của cả nước.

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, tổng kết năm 2020 tổng đàn lợn cả nước đạt 26,17 triệu con (tăng khoảng 5%); tổng số bò 5,87 triệu con (tăng 4,2%); tổng số gia cầm xấp xỉ 500 triệu con (tăng 6,2%); sản lượng trứng đạt 14,5 tỷ quả, tăng khoảng 9,5% so với năm 2019. Sản lượng thịt bò hơi đạt khoảng 372,5 ngàn tấn, tăng khoảng 4,8%, so với năm 2019; tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi năm 2020 ước đạt 20 triệu tấn, tăng 5,6% so với năm 2019. Tổng giá trị chăn nuôi ước cả năm 2020 tăng khoảng 5,5% so với năm 2019.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2020, cả nước nhập khẩu 41.500 con lợn giống (kim ngạch 24,7 triệu USD), 301.000 con lợn thịt (kim ngạch 84,6 triệu USD); hơn 3,4 triệu con gia cầm giống (kim ngạch 17,9 triệu USD) và lượng trâu bò sống giết thịt là 518.000 con (kim ngạch 556 triệu USD). Tổng lượng thịt nhập khẩu các loại (thịt lợn, gà, gia súc, dê, cừu) là trên 321.000 tấn (bằng 6% so với tổng sản lượng thịt hơi sản xuất trong nước).

Năm 2020 kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi ước đạt khoảng 1,2 tỷ USD. Trong đó, thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh khoảng 28,5 triệu USD; Thịt và phụ phẩm gia cầm sau giết mổ khoảng 25,1 triệu USD; Trứng gia cầm đã bảo quản hoặc làm chín khoảng 1,4 triệu USD; Mật ong tự nhiên khoảng 71,3 triệu USD; Xúc xích và các sản phẩm tương tự, phụ phẩm dạng thịt khoảng 0,3 triệu USD; Thịt và phụ phẩm dạng thịt đã chế biến khoảng 28,1 triệu USD. Thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu khoảng 789 triệu USD.

Năm 2021, Cục chăn nuôi đặt mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi bình quân năm 2021 đạt khoảng 5-6%. Sản lượng thịt các loại đạt khoảng 5,7 triệu tấn, trong đó, thịt lợn đạt khoảng 3,67 triệu tấn (tăng 6,1%), thịt gia cầm đạt khoảng 1,5 triệu tấn (tăng 5,8%), thịt bò đạt khoảng 395 ngàn tấn (tăng 6%). Sản lượng trứng đạt khoảng 15,6 tỷ quả (tăng 7,5%) và sản lượng sữa đạt khoảng 1,21 triệu tấn (tăng 11,5%).

Nguồn: Báo Nông nghiệp VN