Doanh nghiệp là 'hạt nhân' trong quá trình tái đàn

Theo Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, trong cơn “bão” dịch tả lợn châu Phi, doanh nghiệp phải đóng vai trò “hạt nhân”, dẫn dắt giá, vừa là nơi cung cấp con giống tốt, quy trình kỹ thuật an toàn sinh học. Hiện giá lợn hơi “nóng” đến mức, nhiều người muốn “nuôi lợn to bằng con trâu, con bò”.

Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, theo thông báo của Tổ chức thú y thế giới (OIE) và Tổ chức Nông nghiệp lương thực Liên hợp quốc (FAO). Hiện dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã và đang xảy ra tại 31 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Số lợn tiêu hủy do nhiễm DTLCP đã lên tới hàng trăm triệu con lợn, các quốc gia đã chi hàng tỷ USD cho việc hỗ trợ người chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh.

Dịch bệnh đang còn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trong khu vực (Indonesia, Philippines), nhất là tại Trung Quốc đã tiêu hủy hơn 200 triệu con lợn trong tổng đàn khoảng 710 triệu con.Dự báo tổng đàn lợn của nước này có thể giảm đến trên 55% trong năm 2019.

Theo Tổ chức OIE, phòng, chống bệnh DTLCP là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của các tổ chức quốc tế và của các nước. Đến nay, biện pháp phòng bệnh duy nhất hiện nay là vệ sinh, sát trùng, tiêu độc và chăn nuôi an toàn sinh học vì chưa có thuốc điều trị và chưa có vaccien.

Cũng theo Cục Thú y, kể từ đầu 2/2019 đến nay, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 8.532 xã thuộc 667 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy là gần 6 triệu con (tổng trọng lượng khoảng 341.000 tấn, chiếm khoảng 9% tổng trọng lượng lợn của cả nước.

Đến nay, trên 6.300 xã (chiếm 74% tổng số xã có dịch) ở thuộc 412 huyện của 56 tỉnh, thành phố đã qua 30 ngày.

Có 3 tỉnh là Hưng Yên, Hải Dương và Thái Bình đã hết dịch. Có 25 tỉnh, thành phố có trên 85% số xã đã qua 30 ngày như: Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Cao Bằng, Hải Phòng, An Giang, Cần Thơ, Gia Lai…

Theo Bộ NN&PTNT, ngay sau dịch bệnh xẩy ra, với nguy cơ thiếu thực phẩm, Bộ đã chủ động phát triển chăn nuôi gia cầm, gia súc lớn và thủy sản.

Do vậy, tổng sản lượng các loại thực phẩm trong năm 2019 đã tăng gần 730 nghìn tấn với năm  2018, một phần phục vụ cho tăng trưởng, một phần bù đắp thiếu hụt do bệnh DTLCP.

Trong đó, thịt bò tăng 8,6 ngàn tấn; thịt dê, cừu tăng 4,1 nghìn tấn; thịt gia cầm tăng 193,6 nghìn tấn; sản lượng trứng ước đạt 13,2 tỷ quả, tăng 90 nghìn tấn; thủy sản 8,20 triệu tấn, tăng 430 nghìn tấn.

Đối với chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn do bệnh DTLCP làm giảm đáng kể số đầu con và sản lượng so với 2018. Sản lượng thịt lợn cả năm 2019 ước đạt khoảng 3,3 triệu tấn, giảm 13,5% so với năm 2018.

Đến nay, nhiều địa phương đã chỉ đạo nuôi tái đàn lợn có kết quả tốt như: Hưng Yên, Hải Dương, Phú Thọ, Bắc Giang, Thanh Hóa, Bình Định, Đồng Nai,....Đặc biệt, người chăn nuôi đặc biệt quan tâm, biết cách áp dụng có hiệu quả các biện pháp an toàn sinh học, vệ sinh phòng bệnh và nuôi tái đàn lợn.

Các doanh nghiệp lớn có chuỗi sản xuất thịt lợn như các công ty CP, Masan, Mavin,… đã và đang mở rộng hàng trăm điểm bán thịt lợn chất lượng, an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm tại nhiều tỉnh, thành phố (Hà Nội, Ninh Bình, Hải Dương, TP. Hồ Chí Minh) để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trước, trong và sau Tết Canh tý.

Doanh nghiệp là “hạt nhân” dẫn dắt thị trường thịt lợn

Tại hội nghị nghị triển khai một số giải pháp thúc đẩy sản xuất đảm bảo an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi mới đây, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trong cơn “bão” dịch,  doanh nghiệp là “hạt nhân” dẫn dắt  giá vừa là nơi cung cấp nguồn cung con giống, quy trình kỹ thuật an toàn sinh học.

Theo Bộ trưởng Cường, hiện tổng đầu lợn cả nước còn khoảng 25 triệu con, trong đó đàn nái là 2,7 triệu con. Đặc biệt, hiện các doanh nghiệp đã tập trung nhiều nguồn lực đầu tư giữ đàn lợn cụ kỵ, ông bà, hiện vẫn còn khoảng 109 nghìn con (90%) chưa bị dịch bệnh, do đó cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu nhân giống phục vụ tái đàn lợn.

Bộ trưởng Cường cho rằng, quan trọng nhất hiện nay nguồn lợn thương phẩm ở khu vực doanh nghiệp rất lớn, do vậy, doanh nghiệp doanh nghiệp phải có trách nhiệm tham gia và đưa ra thị trường với giá hợp lý tích cực nhất.

“Bởi có như vậy mới bảo vệ được thị trường cùng với người dân về lâu dài, chứ nếu giá cao quá thì nay mai thị trường quay lưng lại”, ông Cường nói.

Theo Bộ trưởng Cường, năm nay thời tiết bất thuận. “Không năm nào mà tháng 5 có hoa sữa nở, háng 6 lộc vừng ra hoa; hạn hán ở thượng nguồn Trung Quốc. Chưa bao giờ có tới 33 quốc gia bị dịch tả lợn châu Phi; hơn 40 nước bị sâu keo hại lúa… Đây là diễn biến thời tiết cực kỳ nguy hiểm”, Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, có thời điểm giá lợn hơi tăng cao đến mức có người ôm hàng nghìn con lợn từ vùng này sang vùng khác chờ giá lên cao mới bán, lợn len lỏi qua biên giới Trung Quốc để bán hưởng chênh lệch giá.

“Giá lợn hơi "nóng" đến mức lợn to 1,2 tạ vẫn chưa muốn xuất chuồng. Nhiều người vẫn muốn nuôi tiếp, muốn con lợn to bằng con trâu, con bò. Nhiều nơi chưa đảm bảo an toàn dịch bệnh, chuồng trại chưa đảm bảo người dân đã nôn nóng tái đàn bằng mọi giá", Bộ trưởng Cường lưu ý.

Nguồn: Tiền Phong