Đã chi hơn 13.000 tỷ đồng phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phii

Theo Bộ Tài chính, tính đến tháng 10/2020, tổng số kinh phí đã chi từ ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi ước tính là trên 13.000 tỷ đồng.

Đã chi hơn 13.000 tỷ đồng phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, 96% số xã có thể tái đàn

Quang cảnh hội nghị 

Sáng ngày 19/11/2020, tại TP.HCM đã diễn ra Hội nghị triển khai thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) giai đoạn 2020 - 2025” và “Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Lở mồm long móng (LMLM), giai đoạn 2021 - 2025”, do Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn (NN-PTNT), USDA và DTRA (Hoa Kỳ) phối hợp tổ chức.

Cơ bản kiểm soát tốt các loại dịch bệnh

Theo báo cáo của Cục Thú Y (Bộ NN-PTNT), từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 1.409 ổ dịch (bao gồm 496 ổ dịch xảy ra từ cuối năm 2019 và kéo dài sang năm 2020, 27 ổ dịch phát sinh mới và 886 ổ dịch tái phát) tại 307 huyện thuộc 50 tỉnh, thành phố.
Tổng số lợn tiêu hủy là 76.905 con, tổng trọng lượng khoảng 3.845 tấn. Hiện nay, cả nước có 357 xã thuộc 117 huyện của 30 tỉnh, thành phố có dịch chưa qua 21 ngày, với số lợn tiêu hủy lũy kế là 30.812 con.

Như vậy, bệnh DTLCP cơ bản đã được kiểm soát; thời gian qua dịch bệnh chỉ xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không bảo đảm các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học. Cả nước có 96% số xã không có DTLCP, bảo đảm các điều kiện cho việc tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn.

Tuy nhiên, nguy cơ bệnh DTLCP tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao vì đặc điểm của virus DTLCP rất nguy hiểm đối với lợn, có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp và hiện chưa có thuốc, vắc xin phòng bệnh, trong khi tổng đàn lợn có thể tăng cao trong thời gian tới.

Ngoài ra, chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ lớn và không đảm bảo các yêu cầu an toàn sinh học. Việc buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn gia tăng cao vào cuối năm.

Đối với dịch (LMLM), từ đầu năm đến nay cả nước xảy ra 182 ổ dịch  tại 58 huyện 24 tỉnh, thành phố; số gia súc mắc bệnh là 7.090 con gia súc (chiếm 0,02% tổng đàn gia súc khoảng 34 triệu con), gồm 6.047 con bò, 989 con trâu và 54 con lợn. Số gia súc bị chết và tiêu hủy là 269 con (199 con bò, 15 con trâu và 55 con lợn). So với cùng kỳ năm 2019, số ổ dịch giảm gần 2,88 lần, số lợn mắc bệnh và tiêu hủy giảm khoảng 3,66 lần.

Hiện nay, cả nước có 13 ổ dịch LMLM xảy ra tại 04 tỉnh: Quảng Nam, Kon Tum, Trà Vinh và Hà Tĩnh chưa qua 21 ngày. Như vậy, tuyệt đại đa số (99,08%) trong tổng đàn gia súc trên 34 triệu con an toàn đối với bệnh LMLM.

Từ đầu năm đến ngày 17/11/2020, cả nước đã xảy ra 82 ổ dịch cúm gia cầm (CGC) A/H5 tại 28 tỉnh, thành phố. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 224.042 con. So sánh cùng kỳ năm ngoái, số ổ dich CGC A/H5 tăng 2.6 lần, số gia cầm tiêu hủy tăng gấp 3 lần. Hiện nay, cả nước có 01 ổ dịch CGC A/H5N1 tại tỉnh Tiền Giang. Như vậy, tuyệt đại đa số (99,06%) trong tổng đàn gia cầm 520 triệu con an toàn đối với bệnh CGC.

Các ổ dịch CGC chủ yếu xảy ra tại hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, chưa được tiêm phòng vắc xin. Một số chủng vi rút CGC (A/H7N9, A/H5N2, A/H5N8) có nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc.

Vấn đề an toàn sinh học phải được kiểm soát chặt chẽ

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn, ông Phùng Đức Tiến cho biết, trong kế hoạch phòng chống dịch bệnh giai đoạn 2020 đến 2025, đối với bệnh DTLCP chưa từng có kế hoạch quốc gia về phòng chống đối với bệnh này. Cho nên bây giờ xây dựng trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm của quốc tế như FAO, CDC, USDA, DTRA và các nước châu Mỹ. Còn đối với bệnh LMLM, Việt Nam đã làm đến giai đoạn thứ ba, tổng kết cả quá trình có kết quả tốt, số con nhiễm giảm tới 3%, số vụ nhiễm giảm 12%.

“Cái gì đã làm tốt rồi thì phát huy còn lại những giải pháp mang tính căn cơ như xử lý vắc xin, an toàn sinh học, tiêu độc khử trùng, cơ chế chính sách tài chính.... phải giữ để duy trì được kết quả này. Trước đây, chúng ta không dám công bố số vật nuôi nhiễm dịch bệnh, vì sợ ảnh hưởng đến xuất khẩu nhưng bây giờ với xu thế hội nhập sâu vào khu vực và quốc tế cần phải công khai minh bạch.

Vừa qua, bệnh DTLCP chết con nào là công bố ngay nhờ vậy đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, các nguồn lực quốc tế, đội ngũ kỹ thuật, vật tư, kinh phí và đặc biệt là kinh nghiệm của các nước, nên chúng ta đã kế thừa kinh nghiệm này để giải quyết một cách nhanh chóng và có kết quả”, ông Tiến khẳng định.

Ông Tiến cho biết thêm, điểm nhấn trong triển khai kế hoạch lần này là giám sát lưu hành ở hiện trường, trong phòng thí nghiệm, chủ động lẫn huy động, kế đến là kế hoạch tiêm phòng vắc xin đặc biệt phải thực hiện tốt an toàn sinh học. Đối với tất cả các bệnh, vấn đề an toàn sinh học phải được kiểm soát chặt chẽ và kiểm soát ở vùng dịch, vùng nguy cơ cao và vùng vận chuyển gia súc bị bệnh tiêu hủy như thế nào phải được đánh giá rất cụ thể.

“Kế hoạch là vậy nhưng việc tổ chức thực hiện mới sức quan trọng cho nên Bộ chỉ đạo Cục Thú y và Chi cục Thú y các tỉnh phải vào cuộc một cách quyết liệt với tinh thần như Thủ tướng đã nói  “chống dịch như chống giặc””, ông Tiến nhấn mạnh.

Nguồn: Nhịp sống Doanh nghiệp