Giá heo hơi dao động từ 51.000 – 57.000 đồng/kg trong tuần vừa qua và có diễn biến chững lại trong các ngày 25 và 26/03/2022. Tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên giá heo đồng loạt đi ngang. Trên thị trường gia cầm, giá gà thịt và vịt thịt vẫn giảm trên cả ba miền.
So với cùng kỳ năm ngoái, như vậy giá heo hơi đã giảm khoảng 30%, còn so với đợt Tết Nguyên đán Nhâm Dần thì đã nhích nhẹ từ 9-10%. Dù vậy, giá bán thịt thành phẩm tại siêu thị và các chợ dân sinh vẫn "bình chân như vại", nếu có cũng chỉ giảm "nhỏ giọt" vài ba ngàn đồng, không đáng kể.
Theo các tiểu thương, giá lợn hơi "mềm" hơn không có nghĩa là giá thịt lợn thành phẩm sẽ giảm. Bởi thực tế, giá thịt lợn, nguyên liệu chăn nuôi... đều bị ảnh hưởng bởi giá xăng dầu. Người tiêu dùng hiện cũng đã khó tính hơn và giảm thói quen mua thịt lợn so với trước.
Đối với người chăn nuôi, khó khăn tiếp tục chồng chất khó khăn khi “dịch tả heo châu phi chưa qua, bão giá thức ăn chăn nuôi lại tới”. Tính năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng từ 25-40%, trong khi đó, thức ăn chăn nuôi đang chiếm tới khoảng 65-70% giá thành sản xuất. Người chăn nuôi tiếp tục phải loay hoay với bài toán nhập đàn, tái đàn, xây dựng kế hoạch sản xuất. Một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chọn giải pháp tiếp tục “treo chuồng”.
Còn đối với các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi, trước bài toán giá nguyên liệu tăng cao (giá lúa mì tăng 49%, khô dầu đậu tương tăng 33%, ngô hạt tăng 29%) do xung đột Nga - Ukraine xảy ra làm giảm nguồn cung, doanh nghiệp cũng phải tiếp tục “gồng mình” để đảm bảo tối ưu giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng và sản xuất an toàn, trong khi vẫn đảm bảo giá đầu ra tăng không quá nhiều để hỗ trợ người chăn nuôi.
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cả nước hiện có 20.843 cơ sở, trang trại chăn nuôi heo quy mô từ 10 con trở lên với khoảng 11,7 triệu con, chiếm 41,6% so với tổng đàn heo của cả nước; 16 doanh nghiệp và đơn vị chăn nuôi heo quy mô lớn, đạt 5,8 triệu con, chiếm 20,7% tổng đàn.
Để chăn nuôi heo phát triển bền vững, thời gian tới, Bộ NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các địa phương rà soát quy mô đàn lợn, đánh giá chất lượng, năng suất đàn heo nái tùy điều kiện cụ thể từng địa phương nhằm tổ chức chỉ đạo sản xuất phù hợp Chiến lược phát triển chăn nuôi và quy hoạch kinh tế - xã hội theo địa phương và vùng sinh thái...
Trong khi đó, các doanh nghiệp chăn nuôi heo trong nước (Dabaco, Masan, Tân Long, Thiên Thuận Trường, Mavin, Greenfeed, Trường Hải, Hòa Phát...) và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (CP, Japfa comfeed, Newhope, CJ, Emivest, Cargill...) đang xây dựng, từng bước hình thành hệ thống trang trại liên kết chuỗi, tạo chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi, từng bước hiện đại hóa ngành chăn nuôi.
Trước diễn biến bão giá thức ăn chăn nuôi tăng cao hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển NT cũng đã đưa ra một số khuyến nghị và giải pháp để hạ nhiệt giá thức ăn chăn nuôi bao gồm:
- Người chăn nuôi chủ động thay đổi tập quán chăn nuôi, tìm nguồn thức ăn thay thế
- Doanh nghiệp sản xuất TACN cố gắng không tăng giá, chung tay xây dựng hệ sinh thái chăn nuôi tạo nên sức mạnh cho ngành, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, số hóa để giảm chi phí sản xuất.
- Về lâu dài cần chuyển đổi một phần diện tích đất trồng trọt hiệu quả thấp sang trồng nguyên liệu TACN, điều chỉnh cơ cấu vật nuôi theo hướng tăng gia súc ăn cỏ, giảm tỷ trọng nuôi lợn và gia cầm…
Xin mời tham khảo giá vật nuôi do Bộ phận Kinh doanh Tập đoàn Mavin tổng hợp từ các nguồn thông tin thị trường trong tuần vừa qua: