1. Giải cứu trứng gà
Vào tháng 5/2017, giá trứng gà đã bị giảm mạnh. Cụ thể, trứng loại đẹp, to nhất chỉ 1.300 đồng/quả, trong khi cùng kỳ năm 2016 loại này là 1.700 đồng/quả. Điều này đã khiến cho người chăn nuôi và doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, cho biết giá trứng gà liên tục biến động, tăng giảm liên tục từ đầu năm đến nay có thể do lượng hàng vượt nhu cầu thị trường. Hơn nữa, giá thịt heo đang ở mức thấp nên việc tiêu thụ trứng, thịt gà bị chậm so với những năm trước.
Trước thực trạng trên, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi, chế biến gà, trứng gà, bày tỏ mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ, tuyên truyền để người dân tăng tiêu thụ gà, trứng gà, nhất là sản phẩm có chất lượng, qua đó giúp doanh nghiệp bớt khó khăn...
2. Cá tra bị “chặn” đường sang Hoa Kỳ
Vào tháng 5/2017, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa quyết định đánh thuế chống bán phá giá với cá tra của Việt Nam lên mức 2,39 USD/kg, cao gấp 3 lần so với đợt đánh thuế trước. Đây cũng là mức thuế chống bán phá giá (CBPG) cao nhất từ trước đến nay.
Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam đều cho rằng việc DOC tăng mức thuế chống bán phá giá cá tra khác nào triệt đường cá tra Việt Nam vào Hoa Kỳ.
Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) bức xúc: Với mức thuế suất tăng thêm này, gần như đã bằng với giá bán cá tra vào Hoa Kỳ. Tức thuế suất đã gần bằng 100% cho một mặt hàng thực phẩm bình thường, không phải mặt hàng đặc biệt gì cả, thì thật là quá phi lý.
Hiện Hoa Kỳ vẫn là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 20% tổng lượng xuất khẩu.
3. Khủng hoảng thừa thịt heo
Trong năm 2017, chăn nuôi heo chìm trong khủng hoảng do cung vượt cầu, giá giảm mạnh và kéo dài ròng rã suốt năm. Vào tháng 8/2017, giá thịt heo hơi “chạm đáy” 10 năm xuống còn 30.000-32.000 đồng/kg. Nguyên nhân do ồ ạt tăng đàn, trong khi Trung Quốc hạn chế nhập tiểu ngạch.
Để giải cứu người chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) đã liên tục họp khẩn tìm giải pháp, ra công văn kêu gọi cả nước ưu tiên ăn thịt heo. Các bộ ngành, ngân hàng, đoàn thể cũng đồng loạt vào cuộc để “giải cứu” thịt heo.
4. Rúng động heo bị tiêm thuốc an thần ở lò mổ Xuyên Á - Củ Chi
Vào thời điểm 9/2017, người tiêu dùng trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận vô cùng hoang mang trước thông tin gần 5.000 con heo bị chích thuốc an thần trước khi giết mổ tại lò mổ Xuyên Á - Củ Chi.
Sau đó, phía cơ quan chức năng cho biết số heo trên đã được tiêu hủy. Nhưng điều này vẫn không làm nỗi sợ hãi của người tiêu dùng thuyên giảm. Sức mua thịt heo những ngày sau đó vẫn ảm đạm.
Chi Cục Thú Y TP.HCM cho biết đã tăng cường việc kiểm soát hoạt động giết mổ. Bên cạnh đó, chi cục cũng đã thành lập 2 đoàn thanh tra thường xuyên kiểm tra các cơ sở giết mổ để siết chặt hoạt động giết mổ cũng như tăng cường lấy mẫu liên quan đến các chất kích thích, an thần. Các cơ sở giết mổ cũng phải cam kết tuyệt đối không sử dụng thuốc an thần và các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý mạnh tay.
5. Lần đầu tiên, Thanh Long được xuất khẩu sang Úc
Tháng 9/2017, lô hàng thanh long đầu tiên của Việt Nam đã lên đường sang Úc. Để đạt được kết quả này, trái cây nhập khẩu phải được kiểm soát chặt chẽ, từ một nơi có quy hoạch vùng trồng, được kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, có thể truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm và tuyệt đối không được dùng thuốc bảo vệ thực vật mà họ yêu cầu…
Theo ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, sau 9 năm đàm phán, hoàn thiện các thủ tục, trái thanh long lần đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường Úc. Và quan trọng, Việt Nam là nước đầu tiên và duy nhất được cấp phép xuất khẩu thanh long tươi vào Úc.
Qua đây, cũng tạo động lực không chỉ thanh long mà nhiều trái cây Việt Nam sẽ có mặt ở nhiều nước trên thế giới trong thời gian tới.
6. Lần đầu tiên, gà được “bay” đến Nhật Bản
Ngày 9/9, tại Cảng Quốc tế Long An (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An), Bộ NN-PTNT đã công bố xuất khẩu lô hàng thịt gà (khoảng 300-400 tấn) đầu tiên của Việt Nam sang Nhật Bản.
Đây được đánh dấu là một sự kiện quan trọng đối với nông nghiệp Việt Nam. Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, Nhật Bản là thị trường rất khắt khe. Sau thịt gà, Việt Nam sẽ xuất khẩu thịt heo, sữa...
7. Bộ Công thương bất ngờ tăng giá điện 6,08%
Ngày 30/11, Bộ Công thương thông báo về việc tăng giá điện 6,08% lên mức bình quân 1.720 đồng/kWh. Mức giá này chính thức có hiệu lực từ ngày 1/12. Nhiều người tỏ ra bất ngờ vì giá điện tăng quá đột ngột, thông báo chiều hôm trước, sáng hôm sau tăng giá.
8. Thay xăng RON 92 bằng xăng E5
Theo quyết định của Bộ Công thương, xăng RON 92 chỉ tồn tại đến hết ngày 31/12/2017 và xăng E5 sẽ bắt đầu được đưa vào sử dụng từ ngày 1/1/2018. Hiện nay cả nước có 7 nhà máy ethanol với năng lực pha chế 8,6 triệu tấn xăng E5. Trong đó có 4 nhà máy đạt tiêu chuẩn sản xuất ethanol để phối trộn xăng sinh học E5.
Theo báo cáo của Bộ Công thương, nếu chuyển toàn bộ xăng RON 92 sang xăng sinh học E5, tổng lượng xăng E5 cần có vào khoảng 5,357 triệu m3. Như vậy, với công suất của các nhà máy nhiên liệu trong nước hiện nay, hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu xăng E5 khi thay thế xăng khoáng RON 92 từ ngày 1/1/2018.
Sự chuyển đổi sang xăng E5 lần này có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ môi trường cũng như thực hiện các cam kết của Chính phủ khi tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP21) và giảm thiểu khí thải ra môi trường.
9. Khaisilk bán lụa “Made in China”
Tháng 10/2017, người tiêu dùng không khỏi bàng hoàng trước thông tin Khaisilk bán lụa “made in China”. Theo đó, hãng này nhập khăn Trung Quốc rồi cắt nhãn và thay bằng nhãn “made in Vietnam”. Vụ việc này đã gây mất lòng tin của người tiêu dùng trầm trọng.
Hiện tại Bộ Công thương chỉ đạo chuyển hồ sơ, vật chứng của vụ việc cho Cơ quan cảnh sát điều tra xử lý đồng thời theo dõi, tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định đối với các sai phạm của Công ty Khaisilk theo thẩm quyền.
10. Mỹ Phẩm của Phi Thanh Vân bị tiêu hủy
Cuối năm 2017, Cục Quản lý Dược Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế TP.HCM lấy các sản phẩm mỹ phẩm do Công ty TNHH TM DV Phi Thanh Vân sản xuất đi kiểm nghiệm.
Sở Y tế TP.HCM lấy 3 mẫu gồm sữa rửa mặt trắng da se khít lỗ chân lông ngăn ngừa mụn, kem nhau thai cừu cao cấp và kem dưỡng trắng da toàn thân cao cấp sản xuất tại Công ty TNHH Mỹ phẩm Phi Thanh Vân (đường Trần Văn Kiểu, phường 11, quận 6, TP.HCM).
Qua kiểm nghiệm cơ quan chức năng phát hiện các sản phẩm công ty này chưa đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.
Nhà chức trách buộc công ty này phải thu hồi và tiêu hủy tất cả sản phẩm được sản xuất tại thành phố vì không đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM còn yêu cầu công ty này phải tháo gỡ, xóa quảng cáo khi chưa được phép.