Nhóm tác giả: Phạm Kim Đăng 1, Nguyễn Công Oánh 1, Nguyễn Tuyết Giang 2, Đỗ Võ Anh Khoa 3
1 Học Viện Nông nghiệp Việt Nam, 2 Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia TP. HCM, 3 Hội Chăn nuôi Việt Nam
Tạp chí Chăn nuôi - Đến nay, Việt Nam đã xác định được 5.117 loài thực vật dùng làm thuốc, trong đó có 90% loài cây thuốc mọc tự nhiên và 10% loài cây thuốc trồng. Nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước ước tính trên 120.000 tấn. Gần đây, diện tích trồng một số loài thảo dược cũng gia tăng đáng kể như actiso, bạc hà, diệp hạ châu, dương cam cúc, địa liền, đương quy, đinh lăng, gừng, gấc, hương nhu, hồi, húng chanh, ích mẫu, lô hội, nghệ quế, sả, sâm ngọc linh, thanh cao hoa vàng, xuyên tâm liên… nhằm đáp ứng nhu cầu làm thuốc, thực phẩm chức năng và tăng hiệu quả trong mô hình kinh tế nông nghiệp bền vững. Theo báo cáo của WHO, có khoảng 80% dân số ở các nước đang phát triển vẫn dựa vào thảo dược để chăm sóc sức khỏe nhờ vào hoạt tính sinh học cao của chúng.
Theo xu thế đó, hệ thống chăn nuôi có sử dụng thảo dược với mục đích thay thế kháng sinh và tạo ra sản phẩm sạch an toàn cho người tiêu dùng đã được hình thành và phát triển ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Nhiều mô hình chăn nuôi heo và gia cầm theo xu hướng này đã và đang phát triển khá thành công. Gần đây, nhân chuyến công tác chúng tôi có dịp ghé thăm trang trại chăn nuôi gà có sử dụng thảo dược và men vi sinh của chị Nguyễn Thị Thu Thoan (thôn Tân Lương, xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội) mới hiểu được lý do chị được mời vào tận miền Nam chuyển giao kỹ thuật và sản phẩm gà vi sinh Thu Thoan cũng đã vươn đến người tiêu dùng ở TP. Hồ Chí Minh.
Thực tế, ngoài nguồn nguyên liệu khẩu phần cơ bản như cám ngô, cám gạo, cám mạch, cám mỳ, bã bia, khô lạc, khô vừng, khô đậu tương, rau củ các loại,… chị Thoan còn phối trộn các nguồn thảo dược như sâm đương quy, tỏi đen, tinh nghệ, xạ đen, đơn kim, xạ đen và quế chi. Sau đó thức ăn được ủ với men Saccharomyces trong vòng 24 giờ trước khi cho gà ăn. Thức ăn sau khi ủ có màu vàng sáng, mùi thơm nhẹ đặc trưng.
Về mặt khoa học, thảo dược tự nhiên chứa nhiều loại hoạt tính sinh học có giá trị cao về mặt y học như tăng cường miễn dịch, kháng khuẩn, kháng virus, chống viêm, chống ung thư.... Ví dụ: (i) Rễ sâm đương quy (Angelica sinensis), chứa rất nhiều hoạt chất như saccharide, coumarin, sterol đóng vai trò kháng khuẩn, kháng viêm, kích thích hệ miễn dịch; (ii) Tỏi đen chứa các hợp chất sulfur hữu cơ, polyphenol, đặc biệt, hàm lượng S-allyl-L-cystein cao có tác dụng chống oxy hóa, giảm cholesterol và tăng cường sức đề kháng; (iii) Tinh bột nghệ chứa hợp chất curcumin, có tác dụng chống oxy hóa và chống viêm tốt; (iv) Quế chi (Cinnamomum cassia) với tinh dầu chứa camphen và andehide xinamic có tác dụng giảm đau, kích thích tiêu hóa, ức chế mạnh sự phát triển của virus và cải thiện chất lượng sản phẩm chăn nuôi.
Theo chị Thoan chia sẻ, gà “Ri Vàng Rơm” được nuôi theo phương thức bán chăn thả (chuồng nuôi có sử dụng đệm lót sinh học) và cho ăn khẩu phần trên sẽ tăng khối lượng khá nhanh trong giai đoạn 3 tháng đầu, sau đó giảm hàm lượng protein trong khẩu phần để đảm bảo chất lượng thịt gà thơm ngon đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng và đạt hiệu quả kinh tế cao. Gà thịt bắt đầu được xuất bán sau 4 tháng tuổi, lúc này con trống đạt 2,2-2,5 kg/con và con mái đạt 1,7-1,9 kg/con. Tiêu tốn thức ăn xung quang 2,8-3,2 kg thức ăn/1 kg tăng khối lượng. Quá trình nuôi tuyệt đối không sử dụng kháng sinh, chất kích thích sinh trưởng và các chất cấm. Nhờ vậy, “Gà vi sinh Thu Thoan” hiện đang bán với giá khá cao, khoảng 150.000 đồng/kg thịt hơi và 250.000 đồng/kg gà thịt làm sạch đóng gói hút chân không. Mỗi tháng chị Thoan xuất bán trên 1.000 con gà thịt và đã sống được với nghề sau 3 năm khởi nghiệp mặc dù thị trường con gà có nhiều biến động, đặc biệt trong năm 2021.
Mơ ước của chị là có nguồn quỹ đất lớn và ổn định để phát triển mô hình và thương hiệu, không chỉ thịt-trứng gà vi sinh mà còn cả thịt lợn vi sinh, sữa bò vi sinh,… để cung cấp nguồn thực phẩm sạch, an toàn, có giá trị dinh dưỡng cao và đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Chúng tôi, những người làm khoa học sẽ đồng hành cùng chị để hiện thực hóa ước mơ vì một “cộng đồng khỏe mạnh và trí tuệ”.
Tài liệu tham khảo
Võ Văn Chi (2021). Từ điển cây thuốc Việt Nam. NXB Y học.
Cục Thông tin KH&CN quốc gia (2021). Hoàn thiện quy trình nhân giống một số cây thuốc quý, có giá trị kinh tế cao ở quy mô công nghiệp tại tỉnh Hòa Bình (nguồn www.most.gov.vn).
Nguyễn Bá Hoạt (2021). Cây làm thuốc ở Việt Nam: Vai trò, hiện trạng và định hướng phát triển bền vững. Hội thảo quốc tế “Dược liệu Châu Á: Tiềm năng, thách thức và cơ hội phát triển” tổ chức tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam ngày 11/12/2021.
Trần Phi Hùng (2021). Khai thác, phát triển và sử dụng dược liệu trong y học cổ truyền Việt Nam. Hội thảo quốc tế “Dược liệu Châu Á: Tiềm năng, thách thức và cơ hội phát triển” tổ chức tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam ngày 11/12/2021.
Trần Văn Ơn (2020). Tài nguyên cây thuốc. Tài liệu giành cho học viên cao học, chuyên ngành Dược liệu – Dược học cổ truyền. Trường ĐH Dược Hà Nội.