Báo Nông nghiệp - Mavin, một trong những doanh nghiệp tiêu biểu đặt trách nhiệm xã hội (CSR) là yếu tố bắt buộc trong triết lý kinh doanh vì cộng đồng, hướng tới sự phát triển bền vững.
Hỗ trợ sinh kế cho các hộ nghèo là một hoạt động thực hiện trách nhiệm xã hội ý nghĩa của Mavin.
Chỉ tính riêng trong năm 2020, Tập đoàn Mavin đã dành gần 3 tỷ đồng hỗ trợ sinh kế của cho đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi thiên tai khôi phục chăn nuôi, ổn định cuộc sống.
Một điều thú vị là nếu vào một Nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi của Mavin, khó có thể thấy khói bụi, bởi các Nhà máy đều hoạt động tuân thủ theo nguyên tắc “3 không” là không bụi, không mùi, không chất thải. Đó là một yếu tố để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững theo triết lý kinh doanh vì cộng đồng mà Mavin theo đuổi trong hơn 16 năm hoạt động.
Những yếu tố khác bao gồm: Sản xuất an toàn, nguyên liệu an toàn, kiểm soát chặt chẽ; Quy trình chính xác, quy trình sản xuất chặt chẽ, ứng dụng công nghệ cao đảm bảo tính chính xác, giảm hao hụt; Sản phẩm chất lượng, sản phẩm đầu ra chất lượng, sạch sẽ an toàn, có thể truy xuất nguồn gốc; Trách nhiệm xã hội, tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, chia sẻ khó khăn với cộng đồng.
Mavin là một trong số ít các doanh nghiệp chăn nuôi tại Việt Nam ứng dụng trình độ tự động hóa, công nghệ cao trong các trang trại chăn nuôi và Nhà máy sản xuất.
Theo ông David John Whitehead, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mavin, doanh nghiệp đã bỏ ra vốn đầu tư rất lớn nhưng đó là con đường tất yếu để hướng tới hiệu quả lâu dài. Mavin cũng áp dụng một phương thức quản trị doanh nghiệp khác biệt, với triết lý minh bạch và chất lượng đặt lên hàng đầu. “Chúng tôi có thể tăng trưởng nhanh hơn, lợi nhuận gấp nhiều lần như hiện nay nếu đi theo con đường truyền thống, phổ biến mà các doanh nghiệp đối thủ áp dụng, nhưng chúng tôi chọn cách làm khác biệt vì tâm huyết thực sự với ngành nông nghiệp, với lợi ích của cộng đồng”, ông David chia sẻ.
Thực tế, nhờ cách làm khác biệt, định hướng bền vững ngay từ đầu đã giúp Mavin đứng vững trong những cơn đại khủng hoảng của ngành chăn nuôi như: khủng hoảng giá heo, dịch tả heo Châu Phi… Qua đó bảo toàn đàn heo nái, góp phần ổn định và phát triển ngành chăn nuôi heo trong các năm vừa qua.
Mavin cũng đang góp phần thay đổi bản chất của ngành nông nghiệp Việt Nam từ hộ gia đình nhỏ lẻ, thô sơ sang quy mô công nghiệp, hiện đại. Có rất nhiều đối tác đã “đổi đời” sau khi hợp tác với Mavin, được Mavin chuyển giao quy trình chăn nuôi tiên tiến, chặt chẽ. Cũng đã có rất nhiều người dân nghèo làm chủ được nghề chăn nuôi thông qua các chương trình hỗ trợ sinh kế – một trong những trọng tâm trong công tác Trách nhiệm xã hội của Mavin.
Ở khía cạnh Trách nhiệm xã hội, Mavin đã có nhiều sáng kiến để chia sẻ khó khăn với cộng đồng. Năm 2020, Quỹ Mavin Nhân ái, một quỹ từ thiện của chính cán bộ nhân viên Mavin được thành lập, hướng tới các mục tiêu: chia sẻ với cộng đồng, hỗ trợ sinh kế, phát triển giáo dục.
Quỹ này cho tới nay đã đóng góp hơn 3 tỷ đồng cho đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020, tài trợ học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, hỗ trợ sinh kế cho nông dân nghèo… Dự kiến năm 2021, Quỹ sẽ tiếp tục với các hoạt động đào giếng nước sạch cho các dân tộc vùng sâu vùng xa, xây điểm trường cho học sinh nghèo, hỗ trợ sinh kế cho các vùng khó khăn…
Quỹ Nhân Ái Mavin trao tặng 4 tấn xúc xích cho đồng bào miền Trung trong đợt bão lũ năm 2020. Ảnh: Vũ Toan.
Hỗ trợ sinh kế cũng là một sáng kiến nổi bật của Mavin trong vấn đề Trách nhiệm xã hội. Trong đó, hoạt động hợp tác hàng năm với Tổ chức Tầm nhìn thế giới (World Vision) là một mô hình tiêu biểu. Trong 3 năm triển khai, chương trình này đã hỗ trợ hàng trăm hộ nông dân tại Như Xuân, Thanh Hóa phát triển kinh tế gia đình và làm chủ nghề chăn nuôi heo, gà, vịt với sự hỗ trợ về con giống và kỹ thuật từ Mavin.
Tại Như Xuân, Thanh Hóa, người dân không còn xa lạ với các cán bộ mặc chiếc áo đồng phục trắng Mavin đi từng hộ nông dân tư vấn về cách xây chuồng trại, cách nuôi úm con giống, cách phối trộn thức ăn, cách phòng trị bệnh… Với con giống tốt và quy trình chăn nuôi chuẩn, các hộ nông dân bán được thành phẩm với giá cao hơn so với mặt bằng thị trường, tăng thu nhập hộ gia đình và quan trọng hơn hết được chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi hoàn chỉnh, hiệu quả cao.
Các hộ nông dân Như Xuân – Thanh Hóa làm chủ nghề chăn nuôi gà với hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Vũ Toan.
Mô hình hỗ trợ sinh kế cũng được Mavin vận dụng ngay trong chương trình hỗ trợ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả do bão lũ lịch sử năm 2020.
Với 100.000 con giống gà ri, 70 tấn thức ăn chăn nuôi và hơn 300 triệu trị giá thuốc thú y đã được trao cho các hộ nông dân tại địa bàn thiệt hại nặng nề nhất kèm theo hỗ trợ kỹ thuật từ Mavin để người dân khôi phục sản xuất chăn nuôi, từ đó phát triển kinh tế gia đình.
Chương trình đã lan tỏa được sự sẻ chia, quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp trong đó có Mavin, qua đó chung tay khôi phục ngành chăn nuôi tại các vùng bị thiệt hại do bão lũ.
Mavin đã hỗ trợ đồng bào miền Trung hơn 3 tỷ đồng để khắc phục hậu quả bão lũ vừa qua. Ảnh: Vũ Toan.
Kinh doanh vì cộng đồng không còn mới mẻ với cộng đồng doanh nghiệp, không chỉ Mavin mà nhiều doanh nghiệp đã và đang theo đuổi triết lý này. “Phát triển bền vững, kinh doanh vì cộng đồng phải là một định hướng được xác lập ngay từ đầu, để toàn bộ hoạt động xoay quanh định hướng này chứ không nên là một quyết định thời điểm. Khi đã chọn, doanh nghiệp phải thực sự quyết tâm, bởi thách thức sẽ lớn hơn gấp nhiều lần so với mô hình kinh doanh truyền thống”, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mavin, ông David John Whitehead khẳng định.
Theo đuổi triết lý này đã và đang giúp cho Mavin thu được nhiều quả ngọt, làm nền tảng vững chắc cho những phát triển vượt bậc trong những năm vừa qua, trở thành 1 trong 10 công ty chế biến thức ăn chăn nuôi lớn nhất, 1 trong 3 công ty chăn nuôi heo lớn nhất, 1 trong 5 công ty dược thú y lớn nhất, nhà sản xuất cá rô phi lớn nhất Việt Nam.
Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam.