Dấu ấn của "Rồng"

Tôi gặp David John Whitehead, người đàn ông Úc cao lớn với bộ râu ấn tượng vào một buổi chiều mưa rả rích. Phố phường Hà Nội vốn ảm đạm, vắng vẻ trong những ngày đại dịch Covid 19, trông lại càng thêm buồn, còn đâu cái vẻ náo nhiệt thường ngày vốn có của nó…

Ông David John Whitehead tặng quà cho học sinh nghèo học giỏi  

Nhưng chỉ sau phút giây chào hỏi ban đầu, chúng tôi quên bẵng con virus đáng sợ như sắp len lỏi, quanh quẩn đâu đây để sôi nổi bàn luận về Mavin, về giao thông, về nông nghiệp thời 4.0, về các đại dịch, về cách con người, các doanh nhân, nông dân đối mặt và tồn tại trước những thách thức luôn xảy ra bất chợt.

Tôi gọi David trong lúc vui chuyện là “Rồng” vì ông sinh năm 1952- tuổi Thìn, bằng tuổi người cha đã mất của tôi nên có lẽ vì thế tôi đã có chút cảm nhận về tính cách và con người ông trước khi gặp mặt.
 
Trong cảnh chiều buồn, xuyên qua màn mưa màu khói, sương mờ mờ giăng từ mặt hồ đối diện, David kể cho tôi nghe nghề nghiệp trước đây của ông và lý do ông ở lại Việt Nam rồi thành Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Mavin.

Tôi thắc mắc, nông nghiệp là lĩnh vực cực kỳ nhiều rủi ro, tại sao ông lại đầu tư vào nó?- Có lẽ lúc đầu tôi bị cuốn theo từ một người bạn rồi sau đó nó như một lẽ tự nhiên. Sẽ hạn chế được nhiều rủi ro nếu nông nghiệp được áp dụng khoa học công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật và chu trình chăn nuôi, sản xuất khép kín. David cho biết thêm, khởi đầu từ một nhà máy thức ăn chăn nuôi đặt tại tỉnh Hưng Yên, sau đó, Mavin đã mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực khác như chăn nuôi heo giống, gà trứng giống, thuốc thú y và chế biến thực phẩm, cung cấp giải pháp tổng thể về chăn nuôi với chuỗi giá trị "Từ Nông trại tới Bàn ăn".

Hiện tại, Mavin sở hữu hàng chục nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế biến thực phẩm và thuốc thú y với 9 công ty thành viên và gần 20 chi nhánh từ Bắc đến Nam, hợp tác với hơn 400 nhà phân phối. Năm 2019, Mavin đầu tư thêm Trung tâm nuôi trồng thủy sản xuất khẩu tại hồ thủy điện Hòa Bình với qui mô 100 ha, dự kiến xuất khẩu 10.000 tấn cá/năm.

Trong lúc nhiều doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn thì Mavin lại tiếp tục vươn mình như: Dự án thủy sản xuất khẩu quy mô 400 ha tại Tuyên Quang; Dự án nuôi hải sản quy mô 2.000 ha tại Kiên Giang; chăn nuôi gia công quy mô lớn, sản xuất 1 triệu vịt thịt thương phẩm mỗi năm; Dự án trung tâm phát triển gà giống bản địa tại Hòa Bình; chăn nuôi heo và gà quy mô 100 ha tại Gia Lai, Tây Nguyên; Dự án trung tâm giống heo, gà, vịt quy mô 45 ha tại Đồng Tháp; Dự án Trung tâm giống heo công nghệ cao quy mô 100 ha tại Anh Sơn, Nghệ An.

Tôi hỏi David, tại sao năm 2019 nông dân lao đao trong đại dịch heo tai xanh thì trang trại heo của Mavin vẫn bình an vô sự? David hào hứng nói về quy trình khép kín, nguyên tắc, quy trình kỹ thuật bắt buộc trong chăn nuôi của Mavin.

Ngoài chia sẻ những niềm vui, thành công, thách thức mà Mavin đã và đang trải qua, cuộc nói chuyện của chúng tôi đôi lúc cũng chùng xuống bởi cùng nói tới hàng triệu con lợn của những những nông dân nghèo chăn nuôi theo phương pháp truyền thống bị tiêu hủy bởi dịch bệnh; cùng cảm nhận nỗi đau mất mát, vị mặn của những giọt nước mắt trên những khuôn mặt khắc khổ của nông dân, các doanh nghiệp nhỏ không thể gượng dậy sau tan hoang, dịch bệnh.

Để câu chuyện vui hơn, David chỉ cho tôi xem chiếc xe máy phân khối lớn mà hàng ngày ông vẫn cùng nó len lỏi trên khắp phố phường Hà Nội. Tôi cũng khá bất ngờ khi David cho biết ông đã tới 63 tỉnh, thành trong cả nước bằng xe máy. Điều ông hơi than phiền với tôi chỉ là, người Việt Nam ít chịu tuân thủ Luật giao thông nên tai nạn nhiều. Rồi bằng ánh mắt hóm hỉnh ông hỏi tôi “Em đi xe máy có cẩn thận không?”.

Câu chuyện giữa chúng tôi kết thúc lúc trời xâm xẩm tối, vang bên tai tôi là câu nói của ông: “Nếu nông dân Việt Nam không học cách sản xuất, chăn nuôi theo phương pháp khoa học, hiện đại, họ sẽ không thể đi xa, đi lâu được trong bối cảnh hiện nay”.

Và tôi hi vọng...!

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Hội nông dân Việt Nam (link chi tiết: http://hoinongdan.org.vn//sitepages/news/37/91241/dau-an-cua-rong)