Ngành nông nghiệp ngày nay đã thay đổi, cả trên phạm vi toàn cầu và tại Việt Nam. Quy mô các công ty, cùng với kiến thức của nông dân trong việc sử dụng công nghệ và các công cụ thị trường, đã biến nông nghiệp từ một hoạt động theo hộ gia đình thành một lĩnh vực kinh doanh của các doanh nghiệp.
Nông dân cũng đi đầu
Người nông dân Việt Nam ngày nay cũng đã thay đổi, họ không còn là người nghèo mà là những người sở hữu đất đai và có kiến thức về nông nghiệp. Nông dân ngày nay là các chủ doanh nghiệp với số vốn đầu tư lớn và nắm rõ về công nghệ cũng như thị trường nước ngoài. Họ không chỉ nắm rõ môi trường nuôi trồng của mình, mà còn có thể thay đổi nó bằng công nghệ.
Chúng tôi tin rằng việc ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp công nghệ cao trong nông nghiệp rất có giá trị, hiệu quả và có ý nghĩa kinh doanh tuyệt vời. Ngày nay nhận thức ngày càng tăng lên của người tiêu dùng về an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc đã buộc các doanh nghiệp nông nghiệp làm hết sức để có quy trình và hệ thống tin cậy, hiệu quả và an toàn. Thêm vào đó, để vận hành trên thị trường toàn cầu, người nông dân hiện đại cần đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về trồng trọt và chăn nuôi, sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và các đầu vào khác, xử lý, đóng gói, bảo quản, vận chuyển và chuỗi cung ứng. Điều này không thể thành công nếu thiếu các hệ thống công nghệ cao phức tạp và quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả. Nông nghiệp bền vững phải cùng lúc mang lại sự an toàn thực phẩm, môi trường bền vững và cơ hội kinh tế.
Để có thể đạt được những mục tiêu này, cần có sự thay đổi trong ngành nông nghiệp bằng sự nỗ lực và đoàn kết của các bên liên quan, bao gồm nông dân, chính phủ, xã hội và các doanh nghiệp tư nhân.
Các yếu tố thành công chủ chốt trong sự thay đổi trên toàn quốc của ngành nông nghiệp bao gồm: việc định hướng một cách đúng đắn thông qua sự lãnh đạo hiệu quả, các mô hình chiến lược và đầu tư, mở rộng quy mô thông qua sức mạnh tài chính, cơ sở vật chất, các thể chế và cơ chế giám sát.
Cuộc khủng hoảng về giá lợn trong năm 2017 và đầu năm 2018 tại Việt Nam là một ví dụ điển hình về việc quản lý thị trường không có kế hoạch và không hiệu quả, cùng với việc bùng nổ thiếu kiểm soát các nhà sản xuất cám chăn nuôi chất lượng thấp, và thiếu sự kiểm soát về giá. Ví dụ này cho thấy rõ ràng sự cần thiết phải cải thiện trong quản lý cung cầu, để tâm hơn đến thị trường trong nước cũng như nước ngoài, có sự can thiệp của chính phủ để ổn định giá cả.
Cần chính phủ hỗ trợ
Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ mang đến sự hội tụ của trí tuệ nhân tạo và công nghệ dữ liệu như một giải pháp mới cho các vấn đề về xã hội và công nghiệp trên khắp thế giới, bằng cách tích hợp các lĩnh vực ảo và vật lý.
Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ mang đến các thay đổi sâu lắng cho ngành nông nghiệp vốn là ngành thâm dụng lao động. Kết hợp trí thông minh nhân tạo và dữ liệu lớn (big data) sẽ giúp ngành nông nghiệp trở thành một ngành công nghệ cao có thể tự vận hành. Lấy ví dụ, việc sử dụng các máy bay không người lái điều khiển từ xa chứa camera và thiết bị định vị GPS được quản lý bởi các hệ thống điều khiển hiện đại, sẽ giúp các Nông dân Thông minh đưa ra các quyết định thông minh về quản lý trồng trọt, chăn nuôi như cho ăn hay tưới tiêu. Những công nghệ này đảm bảo tính chính xác trong lĩnh vực nông nghiệp như: theo dõi sản lượng, phân tích sâu bệnh, đo độ ẩm của đất, đưa ra các quyết định về thời gian thu hoạch, và theo dõi sức khỏe cây trồng. Cụ thể hơn, Internet Vạn vật (IoT) sẽ đo độ ẩm, nhiệt độ và thời lượng nắng tại các trại, có thể kiểm soát từ xa thông qua các thiết bị cầm tay. Điều này không chỉ tăng sản lượng của trang trại, và còn gia tăng thêm giá trị của chúng.
Bằng cách áp dụng các công nghệ 4.0, dữ liệu tổng hợp (bao gồm sản lượng nông nghiệp, thông tin về khí hậu, cấu trúc dân số và dữ liệu người tiêu dùng) có thể được phân tích một cách tổng thể. Nhờ đó chúng ta có thể sản xuất ra các sản phẩm được tùy chỉnh để tối ưu cung cầu. Và cùng lúc, Chính phủ có thể điều chỉnh thời gian và đầu ra để ổn định giá cả
Cũng như cuộc cách mạng công nghệ lần 1, lần 2 và lần 3, sự xuất hiện của các công nghệ mới nhờ có các cuộc cách mạng này luôn luôn khởi đầu với sự phá vỡ các trật tự hiện tại. Phá vỡ trật tự hiện tại tạo nên khoảng trống mà các cơ hội có thể nảy sinh. Công nghệ 4.0 trong nông nghiệp sẽ là một cơ hội tuyệt vời để tăng tính cạnh tranh, và là một cơ hội để xử lý các điểm yếu cố hữu trong hệ thống nông nghiệp hiện tại và giới hạn của nông nghiệp thâm canh.
Chúng ta đang ở thời điểm khởi đầu của một thời đại nông nghiệp mới. Một thời đại mà Nông dân Thông minh lần đầu tiên có thể kiểm soát được môi trường, sản phẩm và thị trường của họ. Việc áp dụng các công nghệ và hệ thống cung cấp dữ liệu, thông tin và kiến thức giúp nông dân có thể đưa ra các quyết định thông minh về chủng loại để trồng cũng như thời điểm thu hoạch và xuất ra thị trường.
Chúng tôi cần sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc thay đổi ngành nông nghiệp, thông qua việc lãnh đạo và pháp luật hiệu quả để thúc đẩy Việt Nam trở thành một ông lớn về nông nghiệp, được dẫn dắt bởi Nông nghiệp thông minh và các nông dân thông minh.
Nguồn: Tạp chí Mavin - Từ Nông trại tới Bàn ăn số 4 (Quý 3.2018)