Cạnh tranh khốc liệt 'từ trang trại đến bàn ăn'

Nếu trước đây mô hình chuỗi thực phẩm sạch khép kín "từ trang trại đến bàn ăn" (hay còn gọi là 3F) chỉ tập trung ở một vài doanh nghiệp ngoại thì nay đang lan rộng đến nhiều công ty nội.

Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam (C.P) được xem là doanh nghiệp tiên phong trong mô hình "3F", tức là từ thức ăn chăn nuôi (Feed) đến trang trại (Farm) rồi trở thành thực phẩm (Food).

Ban đầu khi vào thị trường Việt Nam, công ty này chỉ cung cấp thức ăn chăn nuôi, sau đó phát triển thêm mảng gà đẻ trứng, cung cấp heo, gà thịt, xúc xích, heo giống, xuất khẩu tôm và cá tra.

Hiện, CP có 6 nhà máy thức ăn chăn nuôi gia súc - gia cầm, 3 nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản với công suất 4 triệu tấn một năm. Với hình thức liên kết chăn nuôi, công ty đã thiết lập với nông dân 3.000 trang trại. Năm 2014, doanh thu của doanh nghiệp này đạt 2,07 tỷ USD, trong đó riêng mảng thức ăn chăn nuôi đạt 867 triệu USD. Phần còn lại đến từ chăn nuôi và chế biến thực phẩm với 1,2 tỷ USD.

"Ban đầu khi mới vào thị trường Việt Nam, mảng chăn nuôi heo của công ty chỉ chiếm 1% trên tổng lượng đàn của cả nước, nhưng đến nay chúng tôi đã chiếm 40%. Công ty đang hướng tới là đơn vị cung cấp thịt heo sạch đứng thứ 7 trên thế giới", ông Chamnan Wangakkarangkul, Phó tổng giám đốc CP Việt Nam nói.

 Tiềm lực không mạnh như CP, nhưng Công ty liên doanh Austfeed cũng nhanh chóng hoàn thiện mô hình sản xuất “từ nông trại tới bàn ăn” và trở thành đối thủ đáng gờm của các doanh nghiệp trong ngành.

 

Vào Việt Nam năm 2004, ban đầu Austfeed cũng chỉ là công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi nhỏ. Sau 10 năm, doanh nghiệp này đã có mạng lưới 4 nhà máy, và nắm quyền điều hành Công ty Dược thú y Cai Lậy (Mekovet). Ngoài ra, Austfeed còn thành lập Công ty liên doanh Thực phẩm Mavin.

Một đơn vị ngoại khác cũng đã định hình mô hình 3F là Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam. Ngoài 5 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, công ty đã tổ chức chăn nuôi gà, thịt lợn siêu nạc và sản xuất gà giống. Hiện Japfa Comfeed Việt Nam còn có nhà máy giết mổ gia cầm và nhà máy chế biến thực phẩm (xúc xích) với thương hiệu Jupiter.

Trong khi các doanh nghiệp ngoại không ngừng củng cố để chiếm lĩnh thị trường, thì các công ty nội cũng mạnh tay chi tiền theo đuổi mô hình này.

Để đi tắt đón đầu, đầu năm nay Masan đã mua lại 100% cổ phần Công ty TNHH Saigon Nutri Food. Đây là công ty chuyên sản xuất xúc xích, đồ hộp và chả giò snack ăn liền.

Bên cạnh đó, Masan Group còn mua thành công 99,99% cổ phần của Công ty TNHH Sam Kim. Đáng chú ý, vào tháng 4, công ty công bố nắm quyền kiểm soát đối với 2 doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi là Proconco với sở hữu 52% và Anco là 70% cổ phần. Trước đó, doanh nghiệp này cho biết muốn trở thành nhà cung cấp thức ăn chăn nuôi lớn nhất Việt Nam với ít nhất 50% thị phần vào năm 2020.

Bắt đầu với mô hình này từ năm 2011, Công ty TNHH một thành viên Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) khẳng định vị thế khi đang xây dựng dự án Cụm công nghiệp Chế biến thực phẩm Vissan trên diện tích 22,4 ha tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Theo Tổng giám đốc Văn Đức Mười, nhà máy được xây dựng khép kín liên hoàn, kết nối chặt chẽ các khâu giết mổ, chế biến, đóng gói, sản xuất bao bì thực phẩm… Khi dự án hoàn tất, toàn bộ dây chuyền giết mổ và chế biến sản phẩm của Vissan sẽ được chuyển về đây. Doanh thu của nhà máy này dự kiến đạt 5.000 tỷ đồng một năm.

Ngoài ra, mới đây doanh nghiệp còn hợp tác với Công ty TNHH De Heus (Hà Lan) thiết lập chuỗi giá trị cung ứng thịt heo sạch, an toàn và có thể truy xuất được nguồn gốc với tổng vốn 3 triệu USD. Năm 2015, doanh thu của toàn hệ thống Vissan ước đạt 4.500 tỷ, tăng khoảng 5% so với năm ngoái.

Sau khi đã có thương hiệu vững chắc về sản phẩm trứng gia cầm trên thị trường, cuối năm 2014 Công ty Ba Huân tiến thêm một bước khi đưa vào hoạt động nhà máy chế biến thực phẩm gia cầm tại Long An với vốn đầu tư 60 tỷ đồng. Theo Phó giám đốc Phạm Thanh Hùng, với chuỗi khép kín này, ngoài cung cấp trứng và thịt gà tươi, công ty còn cho ra thị trường sản phẩm chế biến, gồm lạp xưởng gà, xúc xích gà và một số sản phẩm ăn nhanh từ thịt gà.

Bên cạnh các doanh nghiệp lớn trên, một số đơn vị có quy mô nhỏ như Công ty  Phạm Tôn, San Hà, Vĩnh Thành Đạt... cũng đang dần dần hoàn thiện mô hình 3F này.

Nhận định về cuộc đua trên, Tiến sĩ  Kiều Minh Lực, chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi cho rằng, đây là xu thế tất yếu của thị trường. Cuộc đua sẽ ngày càng khốc liệt hơn khi "miếng bánh" bị chia nhỏ. Nếu không nắm bắt kịp xu thế, các đơn vị sản xuất nhỏ lẻ, truyền thống có thể sẽ tụt lại phía sau. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, để theo đuổi mô hình kinh doanh này không hề dễ dàng vì đòi hỏi đơn vị tham gia phải có nguồn vốn lớn, cơ sở hạ tầng và hệ thống phân phối mạnh.

Còn Phó tổng giám đốc CP Việt Nam - Chamnan Wangakkarangkul cho rằng, ngoài vấn đề nguồn vốn thì việc  kiểm soát hàng bán ra thị trường là một vấn đề vô cùng đau đầu. "Hàng ngày heo của chúng tôi tập kết tại Trung tâm tập trung heo CP ở Bình Dương và Đồng Nai. Sau đó, thương lái đến thu mua và được kiểm định chất lượng. Tuy nhiên, để kiểm soát sau đó xem heo có bị vỗ béo bằng chất cấm không thì công ty không thể làm nổi", ông Chamnan giải thích.

Còn tại Vissan, mặc dù sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, nhưng theo ông Văn Đức Mười do nguồn hàng cung ứng ra thị trường vẫn không đủ. Những lúc thiếu, doanh nghiệp vẫn phải mua thêm từ nhà nông cho nên mức độ đồng bộ chung chưa cao.

“Do vậy, để cải thiện tình hình này, đồng thời, tạo sự đồng bộ trong chăn nuôi, Vissan đang đẩy mạnh liên kết với các đơn vị nhỏ lẻ để hướng dẫn quy trình chăn nuôi, kiểm soát và quy hoạch một cách tốt nhất, đưa mô hình phát triển bền vững hơn”, ông Mười nói.

 Nguồn: Vnexpress.net