Tháng 5/2018, Tập đoàn Mavin trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên xuất khẩu thành công thịt heo sang Myanmar theo con đường chính ngạch. Đây là kỳ tích của ngành chăn nuôi vì nhiều năm qua thịt heo Việt Nam vẫn chưa thể xuất ngoại vì không vượt qua được các rào cản về vệ sinh an toàn thực phẩm. Vậy vì sao, Mavin có thể làm được kỳ tích này, nhóm phóng viên đã tìm hiểu tận nguồn những lô thịt heo xuất khẩu được sản xuất như thế nào.
Chăn nuôi heo thịt tại Trang trại Sông Cầu, Thái Nguyên
Chăn nuôi an toàn
Trang trại Sông Cầu là một trong những trang trại chăn nuôi heo thịt điển hình của Tập đoàn Mavin với quy mô 3.500 con, nằm tại huyện Sông Cầu – Thái Nguyên. Tại đây, các điều kiện về đảm bảo an toàn dịch bệnh, chăn nuôi được thực hiện theo đúng quy trình chặt chẽ của Tập đoàn Mavin.
Trước khi vào trại, các loại xe cộ phải đi qua hố sát trùng, xe chờ 10 – 15’ để các vòi nước sát trùng phun đẫm thân xe mới được đi vào trại. Đây là biện pháp đầu tiên được thực hiện rất nghiêm ngặt để đảm bảo cách ly dịch bệnh cho các trại chăn nuôi của Mavin. Khâu bảo vệ thứ 2 đó là việc sát trùng toàn thân đối với người vào trong chuồng nuôi, loại bỏ các yếu tố gây dịch bệnh.
Trại Sông Cầu có 3 chuồng nuôi lớn, xây dựng theo tiêu chuẩn kỹ thuật của Tập đoàn Mavin với hệ thống cho ăn tự động. Cám được đổ thẳng vào hệ thống silo của trại rồi được dẫn qua các đường ống, khi cho heo ăn kỹ thuật viên chỉ cần nhấn nút, thức ăn đổ thẳng vào các máng ăn, mỗi thời điểm chỉ có một con heo ăn ở mỗi máng. Hệ thống này đảm bảo tiết kiệm thức ăn và cũng đảm bảo vệ sinh chuồng trại vì có thể hạn chế tình trạng rơi vãi. Định kỳ từ 2-3 lần mỗi tuần, toàn bộ trại được rắc vôi và phun thuốc sát trùng, đây là biện pháp hiệu quả để bảo vệ vật nuôi khỏi nguy cơ dịch bệnh.
Theo anh Nguyễn Quý Hanh, Phó Giám đốc Khối Chăn nuôi của Tập đoàn Mavin, heo được đưa vào trại phải đạt từ 10kg trở lên, ở trọng lượng này, heo sẽ giảm được các rủi ro về hao hụt đầu con và dịch bệnh. Mỗi trại đều có một kỹ thuật viên giám sát toàn bộ quy trình chăn nuôi theo đúng tiêu chuẩn, và có sự giám sát chặt chẽ từ các bộ phận chuyên môn của Khối Chăn nuôi thông qua hệ thống báo cáo hàng ngày, hàng tuần.
Các trại chăn nuôi như trại Sông Cầu là một mắt xích trong toàn bộ chuỗi chăn nuôi của Tập đoàn Mavin. Chuỗi này gồm có cả khâu nghiên cứu và phát triển giống tại 4 Trung tâm heo giống hạt nhân công nghệ cao với các giống heo được nhập từ JSR (Vương Quốc Anh), lai tạo và phát triển heo chất lượng cho các trại chăn nuôi như Sông Cầu. Bên cạnh đó, dinh dưỡng - khâu quan trọng nhất trong quá trình chăn nuôi, do chính 5 Nhà máy thức ăn chăn nuôi của Mavin cung ứng. “Thức ăn chăn nuôi của Mavin nói không với tồn dư kháng sinh, nói không với chất kích thích tăng trưởng và nói không với các chất cấm. Đảm bảo heo xuất chuồng ở thể trạng tốt nhất, chất lượng thịt tốt nhất và an toàn nhất cho người tiêu dùng”, anh Nguyễn Quý Hanh khẳng định.
Giết mổ theo tiêu chuẩn Châu Âu
Đối với sản phẩm thịt heo của Mavin, heo xuất chuồng khi đạt trọng lượng khoảng 100kg và được vận chuyển tới Nhà máy giết mổ công nghệ cao, áp dụng công nghệ giết mổ theo tiêu chuẩn Châu Âu, nhằm hạn chế tối đa quá trình nhiễm khuẩn sản phẩm do tác động từ bên ngoài mà không cần sử dụng chất bảo quản. Công nghệ giết mổ này có các đặc điểm:
- Giết mổ bằng sốc điện khiến con vật bất tỉnh và không phải chịu đau đớn.
- Giết mổ bằng công nghệ treo: Sau khi sốc điện, con vật được treo lên móc và dùng thiết bị chuyên dụng cắt vào động mạch của nó để “tháo máu”. Vì con vật đã bất tỉnh nên nó không hề cảm nhận được đau đớn trong quá trình này.
- Trong vòng 2h sau khi sốc điện, quá trình giết mổ hoàn tất. Thịt heo được cấp đông ngay lập tức và đảm bảo đã tiêu diệt các mầm bệnh hoặc ngăn chặn sự phát triển của bệnh bên trong thịt.
Thịt heo Mavin được bày bán trong các siêu thị tại Hà Nội
Để xuất khẩu, thịt heo được cấp đông bảo quản nghiêm ngặt và đóng vào trong container lạnh chuyên dụng, đảm bảo nhiệt độ theo quy định trong suốt hành trình vận chuyển đến nước nhập khẩu.
Như vậy, toàn bộ quá trình sản xuất thịt heo xuất khẩu sạch từ nguồn giống tới quy trình chăn nuôi và giết mổ, đảm bảo an toàn dịch bệnh, đó là đặc điểm đã thuyết phục được nhà Nhập khẩu tại Myanmar khi tìm hiểu về chuỗi giá trị của Tập đoàn Mavin. Ông Funahashi Hironori, đại diện Công ty Sojitz Việt Nam (nhà môi giới giúp kết nối Mavin và nhà nhập khẩu Myanmar) phát biểu: "Trong thực tế, việc thông quan và kiểm dịch tại điểm đến không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Nhưng chúng ta đã vượt qua được nhiều rào cản kỹ thuật và thú y. Đây cũng chính là thắng lợi đối với ngành chăn nuôi và Bộ Nông Nghiệp Việt Nam". Còn Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám thì cho rằng: "Đây là thành công và là tín hiệu cho cả ngành chăn nuôi Việt Nam. Các nước nhập khẩu thực phẩm như Nhật Bản, Myanmar có hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kiểm soát kỹ thuật rất cao nhưng việc sản phẩm thịt heo của Việt Nam được các nước cho phép xuất vào nước này thể hiện thành công về chất lượng thực phẩm của Việt Nam".
Xuất khẩu thịt heo chỉ là bước khởi đầu trong các kế hoạch mở rộng thị trường tiêu thụ của Mavin. Tiếp theo thịt heo, các sản phẩm như vịt thịt, cá thịt cũng đang sẵn sàng để “xuất ngoại” trong một vài năm tới.
Nguồn: Tạp chí Mavin - Từ Nông trại tới Bàn ăn số 4 (Quý 3.2018)